banner redirect homepage

Phân tích tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Đề bài: Phân tích tâm trạng của người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

Bài làm

      Chinh phụ ngâm là tác phẩm tiêu biểu của Đặng Trần Côn. Tác phẩm miêu tả tâm trạng của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến, qua đó nói lên sự oán ghét chiến tranh phi nghĩa, đặc biệt là thể hiện tâm trạng khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi vốn ít được thơ văn thời kì trước chú ý đến. Tất cả những cung bậc cảm xúc đó đã được khắc họa trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

     Văn bản được trích từ câu 193 đến câu 216 của bản diễn Nôm. Sau buổi đưa tiễn chồng, người chinh phụ trở về, tưởng tượng nơi chiến trường đầy chết chóc mà lòng xót xa, lo lắng cho chồng và thương cảm cho hoàn cảnh cô đơn, lẻ loi của mình. Tâm sự của nàng diễn biến qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã được tác giả tinh tế nắm bắt trọn vẹn.

     Tám dòng thơ đầu cho thấy tâm trạng bồn chồn của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi, đơn chiếc:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen

     Không gian hết sức cô quạnh, vắng vẻ chỉ có bước chân người chinh phụ thầm gieo trên hiên vắng. Tâm trạng nàng hết sức bồn chồn, lo lắng, nàng đứng ngồi không yên, hết rủ rèm rồi lại cuốn rèm, đi đi lại lại ngong ngóng tin chồng trở về, nhưng người chồng vẫn ra đi bặt vô âm tín. Hành động treo rèm lại rồi lại kéo rèm xuống là hạnh động diễn ra trong vô thức, nàng làm mà không hề hay biết, điều đó càng khắc họa rõ nét hơn nỗi thất vọng tràn trề của nàng. Dù ở ngoài hiên hay trong rèm nàng vẫn cô đơn, lẻ loi hết sức. Nàng mong ngóng tiếng con chim thước báo tin nhưng chim thước cũng im ắng. Đêm khuya chỉ có một mình, nàng càng khao khát sự sẻ chia hơn bao giờ hết, nhưng ngọn đèn vô tri, vô cảm không thể an ủi, chia sẻ với nàng: Đèn có biết dường bằng chẳng biết/ Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. Hình ảnh "Hoa đèn kia với bòng người khá thương" càng đậm tô hơn nữa sự cô đơn, tội nghiệp của người chinh phụ.

     Từ nỗi khát khao đồng cảm chuyển sang sự chờ đợi dài đằng đẵng: Gà eo óc gáy sương năm trống/ Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên/ Khắc giờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa. Tiếng gà eo óc thê lương, càng vang vọng hơn trong không gian đêm khuya tĩnh mịch vắng vẻ. Tiếng gà ấy vừa là sự chảy trôi chậm chạp của thời gian vừa là sự giày vò trong lòng người chinh phụ, nghe tiếng gà, lòng lại càng thổn thức chờ mong hơn gấp bội. Nhìn ra ngoài đêm tối mịt mùng, bóng hòe phất phơ cứ đều đặn lay động qua trước mắt, càng khiến cho thời gian chậm chạp, nặng nề trôi hơn. Thời gian tâm lí được nhân lên gấp bội: Khắc giờ đằng đẵng như niên và mối sầu trong lòng người lẻ loi, cô đơn trải ra một không gian vô tận tựa miền biển xa. Trong bốn câu thơ tác giả đã sử dụng thành công bốn từ láy vừa gợi âm thanh vừa gợi nên sự giày vò trong tâm trạng (eo óc) vừa diễn tả sự hoang vắng (phất phơ), lại gợi nên không gian thời gian vô tận (đằng đẵng, dằng dặc), qua đó đã diễn tả được nỗi cô đơn, sầu muộn trong vô vọng của người chinh phụ.

     Khổ thơ thứ tư diễn tả những gắng gượng của người chinh phụ để trốn khỏi sự bủa vây của nỗi cô đơn, nhưng càng cố trốn tránh nỗi cô đơn lại càng ôm chặt lấy nàng. Nàng lấy gương soi trang điểm để quên nhưng nhìn thấy mặt mình nàng lại không cầm nổi nước mắt "lệ lại châu chan". Nàng đốt hương mong lấy lại sự thư thái trong tâm hồn nhưng "hồn đà mê mải", nỗi cô đơn sầu muộn lại càng đậm sâu hơn. Và đau đớn nhất là khoảnh khắc: Sắt cầm gượng gảy ngón đàn/ Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng. Đàn cầm và đàn sắt khi hòa âm với nhau thường được ví với sự sum vầy, hòa hợp yên ấm của hai vợ chồng. Dây uyên biểu tượng cho lứa đôi gắn bó, tất các sự vật đều có đôi có lứa, chỉ riêng mình nàng là cô đơn lẻ bóng. Những biểu tượng ấy càng khơi sâu nỗi cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ. Ba từ "gượng" diễn tả sự trớ trêu, xót xa trước cảnh ngộ của chính mình. Dây đàn đứt và chùng đều là dấu hiệu của điềm xấu trong tình yêu, bởi vậy, nỗi kinh sợ của người chinh phụ khi gượng gảy đàn trở thành một nỗi ám ảnh về sự cô đơn lẻ loi trọn kiếp của người cô phụ.

     Khổ thơ cuối cùng diễn tả nỗi khao khát gửi gắm tình cảm thương nhớ sâu nặng của người chinh phụ đến nơi chiến trường xa xôi. Nàng gửi tình cảm qua ngọn gió đông (gió xuân) nhưng gió đông yếu ớt không đủ sức mang nỗi nhớ thương nghìn vàng của nàng đến nơi non Yên xa thẳm. Người chinh phụ lại phải đối mặt với thực tế và thấm thía bi kịch cá nhân:

"Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun".

     Nỗi niềm chìm vào cô đơn, chìm vào không gian lạnh lẽo, quạnh vắng, cảnh vật ảm đạm thê lương như đang bủa vây lấy người chinh phụ. Nàng đang đớn, tuyệt vọng đến cùng cực.

     Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, ngôn từ tinh tế, hình ảnh giàu sức biểu tượng, đoạn trích đã diễn tả thật tinh tế và chính xác những cung bậc cảm xúc của người chinh phụ, đó là nỗi cô đơn, lẻ loi vô cùng. Đoạn trích có ý nghĩa đề cao hạnh phúc cá nhân đồng lời là lời tố cáo, lên án chiến tranh phi nghĩa đã hủy hoại hạnh phúc của con người.

DÀNH CHO 2K6 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2024!

Bạn đăng băn khoăn tìm hiểu tham gia thi chưa biết hỏi ai?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247:

  • Hệ thống kiến thức trọng tâm & làm quen các dạng bài chỉ có trong kỳ thi ĐGNL
  • Phủ kín lượng kiến thức với hệ thống ngân hàng hơn 15.000 câu hỏi độc quyền
  • Học live tương tác với thầy cô kết hợp tài khoản tự luyện chủ động trên trang

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY